image.jpg

Giới thiệu chung về bộ phim:

"Từ Chúng tôi đến Tôi" kể lại câu chuyện của những người Việt sinh ra trong thời chống Mỹ. Họ là những người thuộc "Thế hệ bắc cầu". Khi còn nhỏ, họ sống trong những căn nhà, căn phòng tập thể đơn sơ, không lắp điện nước. Thời kỳ những năm 1970-1980, họ trải qua những năm tháng thiếu thốn về vật chất, cơm không đủ ăn của thời bao cấp. Nhưng giờ đây, thế hệ họ đã trở thành động lực phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Những con người thuộc "Thế hệ bắc cầu" trải qua thời thơ ấu với bom đạn chiến tranh và thiếu thốn vật chất, và chính điều này đã tạo cho họ một tinh thần đoàn kết, cộng đồng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến những năm 1990, khi Việt Nam mở cửa đổi mới, đã xuất hiện nhiều yếu tố tinh thần phương Tây tác động mạnh đến những thế hệ người Việt trẻ. Kinh tế khá giả hơn và tác động của Internet khuyến khích người ta thể hiện cái tôi, chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Từ đó xuất hiện những đứt gãy về văn hóa giữa Thế hệ bắc cầu và những thế hệ người Việt trẻ hơn. Liệu Thế hệ bắc cầu có vượt qua được sự đứt gãy này; liệu các thế hệ trẻ hơn có kết nối và kế thừa được từ những kinh nghiệm và di sản của Thế hệ bắc cầu?

 

 
CAM21344.jpg

Phần 1: Thời Bao cấp:

Tháng 4, 1975; những trực thăng Mỹ cuối cùng rời khỏi bầu trời Sài Gòn, hai miền Bắc Nam thống nhất thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sau 1975, đất nước mới được thống nhất này tiếp tục phải trải qua những tháng ngày chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới phía Nam, với chính sách kinh tế tập trung bao cấp. Từ 1975 đến cuối thập niên 1980, Chính phủ trực tiếp quản lý việc sản xuất hàng hóa và kiểm soát phân phối lương thực thực phẩm, các nhu yếu phẩm và dịch vụ thông qua hệ thống tem phiếu và trợ giá. Người dân sản xuất ra mà không đủ ăn, lương thực phẩm thiếu thốn thường xuyên, kinh tế trì trệ, dẫn đến việc chính sách bao cấp bị xóa sổ vào cuối những năm 1980. Các bạn trẻ Việt Nam thời nay khó lòng tưởng tượng ra thời bao cấp và những khó khăn thiếu thốn mà cha mẹ họ đã phải trải qua hồi đó. Trong Phần phim này, chúng ta sẽ cùng xem cách thức những bạn trẻ thời nay "kết nối" với lịch sử như thế nào, và Thế hệ bắc cầu cảm nhận thế nào về điều này.

 

 
CAM21338.jpg

Mục đích của bộ phim này:

Việt Nam vẫn còn là một đất nước bí hiểm đối với đại đa số người nước ngoài. Khi nhắc đến Việt Nam, có người nghĩ đến cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam; có người thì nghĩ đến Việt Nam như một địa điểm du lịch mới nổi. Đoàn làm phim "The Bridge Co." mong muốn dùng bộ phim này giới thiệu với thế giới về câu chuyện của những người Việt Nam bình dị, về những khác biệt tư tưởng giữa các thế hệ mà họ đang gặp phải, vốn cũng là những vấn đề không xa lạ gì trong các xã hội khác ở khắp nơi trên thế giới.

 

 
DJI_0986.jpg

Địa điểm quay phim:

Bối cảnh phim là Hà Nội, trung tâm thương mại, văn hóa, giáo dục của miền Bắc Việt Nam. Hà Nội ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời bao cấp. Thời đó ngoài đường chỉ có xe đạp, còn bây giờ mỗi ngày có đến hàng triệu xe máy đổ ra tràn ngập đường phố. Nhà cao tầng thế chỗ ruộng lúa; dân số Hà Nội tăng chóng mặt từ 900 nghìn dân vào năm 1980 lên đến 8 triệu dân ngày nay.

 

 
Vietnam+Dov+2019-21.jpg

Người lo thực phẩm

Anh Vũ là một đại diện của Thế hệ bắc cầu; anh sinh năm 1973 ở Nam Định. Vũ và em trai là hai người lo thực phẩm chính cho gia đình. Khi còn nhỏ, hai anh em thay nhau xếp hàng hàng giờ liền để mua thực phẩm theo tem phiếu. Thời đó, thứ tài sản quý giá nhất của nhà anh Vũ chỉ là một cái xe đạp. Bây giờ anh Vũ là một hướng dẫn viên du lịch, chuyên hướng dẫn các tour trải nghiệm ẩm thực Hà Nội cho khách nước ngoài.

"Hồi nhỏ tôi và em tôi có nhiệm vụ nghe tiếng chuông xe chở hàng thực phẩm. Mỗi tháng 2 lần, khi nghe thấy tiếng chuông này, hai anh em chúng tôi bỏ hết mọi việc học hay chơi, vớ ngay lấy 2 cái bao tải rồi chạy ra xếp hàng. Bao tải to là dùng để mua gạo, bao tải nhỏ để đựng thịt và rau theo tiêu chuẩn tem phiếu. Chúng tôi chạy vội ra chỗ xe chở hàng để chiếm chỗ xếp đầu hàng, chờ đến lượt mua thực phẩm về cho gia đình."

 

 
Vietnam+Dov+2019-42.jpg

Nghệ sĩ

Det là nghệ sĩ hát và chơi ghi ta trong một ban nhạc trẻ ở Hà Nội. Cô sinh năm 1999 ở Hà Nội, tức là hơn 1 thập kỷ sau khi thời bao cấp kết thúc. Tuy nhiên Det rất quan tâm đến mọi phương diện văn hóa của thời bao cấp. Bản thân cô mặc đồ hoài cổ, có hơi hướng bao cấp, mua bán trao đổi áo quần theo gu bao cấp, đi uống cà phê ở các quán bao cấp. Cô sẵn sàng chia sẻ quan điểm của mình về thời bao cấp cũng như những nhận định của lớp người Việt trẻ về thời kỳ này.

"Người lớn nhiều khi không hiểu được rằng thế hệ trẻ chúng tôi không quá chú trọng đến việc kiếm nhiều tiền. Chúng tôi muốn tìm được hạnh phúc từ những thứ làm cho chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn. Chúng tôi không muốn biến mình thành những cái máy chỉ biết kiếm tiền. Chúng tôi muốn có bản sắc cá nhân, thông qua việc làm nghệ thuật, hát, hay sáng tác nhạc. Chúng tôi muốn có tự do trong tư tưởng."

 

 
CAM21114-3.jpg

Chiến binh

Anh Chiến là người sinh ra ở Hà Nội, năm 1971. Tên của anh trong tiếng Việt có nghĩa là "Chiến binh". Đúng như tên mình, anh Chiến có vóc người chắc nịch nhờ luyện tập đều đặn và một tính cách mạnh mẽ. Thời thơ ấu trong một gia đình đông anh em, lúc nào anh Chiến cũng thấy "đói khát" vì ăn không đủ no. Lớn lên, anh Chiến vẫn giữ tinh thần khát khao đó trong việc theo đuổi kiến thức, cộng với ý chí rèn luyện bản thân đã giúp anh có một sự nghiệp chính trị thành công. Anh Chiến cũng ý thức sâu sắc về trách nhiệm tiếp nối truyền thống và lịch sử Việt Nam của mình.

"Tôi tin rằng tên tôi cũng chính là số mệnh của tôi. Tôi đã chiến đấu cả đời từ khi còn rất nhỏ, để được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, có cuộc sống tốt hơn, có tương lai tốt hơn cho tôi và những thế hệ mai sau."